Total Pageviews

Monday, June 27, 2011

Có phải bức Công Hàm của TT Phạm Văn Đồng là lá bài tẩy trong tình hữu nghị Việt - Trung ?

Đinh Kim Phúc (Blog XuanDienHanNom) - Theo tờ Xinhua ngày 14-6-2011, dẫn theo tờ Quân Giải phóng hàng ngày cho biết chính phủ Trung Quốc phản đối nỗ lực để quốc tế hóa vấn đề biển Đông, mà chỉ nên giải quyết song phương thông qua hiệp thương hữu nghị giữa các bên tham gia.


Trong bài báo này có đoạn viết:

“Trong một tuyên bố chính thức vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng các đảo ở biển Nam Trung Hoa như là một phần của lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng bày tỏ sự thỏa thuận”.(1)

Những luận cứ và luận chứng của chính phủ Trung Quốc không có gì mới.

Ngày 17-11-2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi bản tin với cái gọi là “Sự thừa nhận của quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”:

“ 5. Việt Nam

a) Thứ trưởng ngoại giao Dung văn Khiêm [Ung Văn Khiêm] của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, xử lý thường vụ Toà Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Le Doc [Lê Lộc], quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”.

b) Báo Nhân Dân của Việt Nam đã tường thuật rất chi tiết trong số xuất bản ngày 6/9/1958 về Bản Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Nhà nước Trung Quốc, rằng kích thước lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của phía Trung Quốc, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa. Ngày 14/9 cùng năm đó, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng của phía nhà nước Việt Nam, trong bản công hàm gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai, đã thành khẩn tuyên bố rằng Việt Nam “nhìn nhận và ủng hộ Bản Tuyên bố của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong vấn đề lãnh hải”.

c) Bài học về nước CHND Trung Hoa trong giáo trình cơ bản của môn địa lý của Việt Nam xuất bản năm 1974, đã ghi nhận rằng các quần đảo từ Trường Sa và Hoàng Sa đến đảo Hải Nam và Ðài Loan hình thành một bức tường phòng thủ vĩ đại cho lục địa Trung Hoa”(2).

Ở đây chúng ta phải hiểu vấn đề này như thế nào?

Cần nhắc lại rằng ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ. Hải quân Mỹ đến vùng eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc lo sợ rằng Mỹ có thể tấn công xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc phải lập tức ra tuyên bố lãnh hải của mình là 12 hải lý.
Sau đây là toàn văn tuyên bố:

“Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958)

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.



Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Đáp lại tuyên bố này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai nguyên văn như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.(3)

Theo Tiến sĩ Balazs Szalontai, một nhà nghiên cứu về châu Á đang sống ở Hungary đã giải thích: “Trong các năm 1955-1958, ban lãnh đạo Bắc Việt chưa đạt tới mục tiêu thống nhất đất nước vì phải đối phó với khó khăn nội bộ và thiếu ủng hộ của quốc tế. Đồng minh chính của họ lúc này là Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, Hà Nội không thể hy vọng xác lập quyền kiểm soát đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong tương lai gần, và vì vậy họ không thể có sự bất đồng lớn với Trung Quốc về các hòn đảo. Lúc này, chính phủ Bắc Việt tìm cách có được giúp đỡ của Trung Quốc, và họ chỉ cố gắng tránh đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ những tuyên bố chủ quyền cụ thể của Trung Quốc hay ký vào một văn kiện bắt buộc mà sẽ công khai từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo này.

Sang năm 1974, tình hình hoàn toàn khác. Việc thống nhất Việt Nam không còn là khả năng xa vời. Giả sử Trung Quốc có không can thiệp, Hà Nội có thể dễ dàng lấy các đảo cùng với phần còn lại của miền Nam. Từ 1968 đến 1974, quan hệ Việt - Trung đã xuống rất thấp, trong khi Liên Xô tăng cường ủng hộ cho miền Bắc. Trong tình hình đó, quan điểm của Bắc Việt dĩ nhiên trở nên cứng cỏi hơn trước Trung Quốc so với thập niên 1950.

Vì những lý do tương tự, thái độ của Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn hơn. Đến năm 1974, Bắc Kinh không còn hy vọng Hà Nội sẽ theo họ để chống Moscow. Thực sự vào cuối 1973 và đầu 1974, Liên Xô lại cảm thấy sự hòa hoãn Mỹ - Trung đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ. Washington không từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan cũng không bỏ đi ý định tìm kiếm hòa hoãn với Liên Xô. Ngược lại, quan hệ Xô - Mỹ lại tiến triển tốt. Vì thế trong năm 1974, lãnh đạo Trung Quốc lại một lần nữa cảm thấy bị bao vây. Vì vậy họ muốn cải thiện vị trí chiến lược ở Đông Nam Á bằng hành động chiếm Hoàng Sa, và tăng cường ủng hộ cho Khmer Đỏ và du kích cộng sản ở Miến Điện.

Tiến sĩ Balazs Szalontai phân tích tiếp hoàn cảnh ra đời của bức công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi cho Chu Ân Lai: “Trước tiên, ta nói về tuyên bố của Trung Quốc. Nó ra đời trong bối cảnh có Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1956 và các hiệp định được ký sau đó năm 1958. Lẽ dễ hiểu, Trung Quốc, mặc dù không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc, cũng muốn có tiếng nói về cách giải quyết những vấn đề đó. Vì lẽ đó ta có tuyên bố của Trung Quốc tháng 9 năm 1958.

Như tôi nói ở trên, trong những năm này, Bắc Việt không thể làm phật ý Trung Quốc. Liên Xô không cung cấp đủ hỗ trợ cho công cuộc thống nhất, trong khi Ngô Đình Diệm ở miền Nam và chính phủ Mỹ không sẵn sàng đồng ý tổ chức bầu cử như đã ghi trong Hiệp định Geneva. Phạm Văn Đồng vì thế cảm thấy cần ngả theo Trung Quốc.

Dẫu vậy, ông ấy có vẻ đủ thận trọng để đưa ra một tuyên bố ủng hộ nguyên tắc rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hải phận 12 hải lý dọc lãnh thổ của họ, nhưng tránh đưa ra định nghĩa về lãnh thổ này. Mặc dù tuyên bố trước đó của Trung Quốc rất cụ thể, nhắc đến toàn bộ các đảo bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa mà Bắc Kinh nói họ có chủ quyền, thì tuyên bố của Bắc Việt không nói chữ nào về lãnh hải cụ thể được áp dụng với quy tắc này.

Dù sao trong tranh chấp lãnh thổ song phương này giữa các quyền lợi của Việt Nam và Trung Quốc, quan điểm của Bắc Việt, theo nghĩa ngoại giao hơn là pháp lý, gần với quan điểm của Trung Quốc hơn là với quan điểm của miền Nam Việt Nam.

Còn lời phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm đưa ra năm 1956, Tiến sĩ Balazs Szalontai đã có ý kiến: “Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào giữa năm 1956, Ung Văn Khiêm đã nói với đại biện lâm thời của Trung Quốc rằng Hoàng Sa và Trường Sa về mặt lịch sử đã thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Ban đầu tôi nghi ngờ sự chân thực của tuyên bố này. Năm 2004, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí xóa đi những chương tranh cãi của lịch sử Triều Tiên khỏi trang web của họ. Tức là họ sẵn sàng thay đổi quá khứ lịch sử để phục vụ cho mình.

Tôi cũng chấp nhận lý lẽ rằng nếu ông Khiêm quả thực đã nói như vậy, thì có nghĩa rằng ban lãnh đạo Bắc Việt thực sự có ý định từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng nay tôi nghĩ khác, mà một lý do là vì tôi xem lại các thỏa thuận biên giới của Mông Cổ với Liên Xô.

Tôi nhận ra rằng tuyên bố của Ung Văn Khiêm thực ra không có tác dụng ràng buộc. Trong hệ thống cộng sản, tuyên bố của một quan chức như ông Khiêm được coi như đại diện cho quan điểm chính thức của ban lãnh đạo. Nhưng ban lãnh đạo cũng có thể bỏ qua ông ta và những tuyên bố của ông ta bằng việc sa thải theo những lý do có vẻ chả liên quan gì. Đó là số phận của Ngoại trưởng Mông Cổ Sodnomyn Averzed năm 1958. Trong lúc đàm phán về biên giới Liên Xô – Mông Cổ, ông ta có quan điểm khá cứng rắn, và rất có thể là vì ông ta làm theo chỉ thị của ban lãnh đạo. Nhưng khi Liên Xô không chịu nhả lại phần lãnh thổ mà Mông Cổ đòi, và chỉ trích “thái độ dân tộc chủ nghĩa” của Averzed, Mông Cổ cách chức ông ta.

“Trong trường hợp Ung Văn Khiêm, ông ta khi ấy chỉ là thứ trưởng, và chỉ có một tuyên bố miệng trong lúc nói riêng với đại biện lâm thời của Trung Quốc. Trong hệ thống cộng sản, tuyên bố miệng không có cùng sức mạnh như một thông cáo viết sẵn đề cập đến các vấn đề lãnh thổ. Nó cũng không có sức nặng như một tuyên bố miệng của lãnh đạo cao cấp như thủ tướng, nguyên thủ quốc gia hay tổng bí thư. Rõ ràng các lãnh đạo Bắc Việt không ký hay nói ra một thỏa thuận nào như vậy, vì nếu không thì Trung Quốc đã công bố rồi.

Vậy thì, bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có ý nghĩa pháp lý nào không?

Tiến sĩ Balazs Szalontai bày tỏ: “Nó khiến cho quan điểm của Việt Nam bị yếu đi một chút, nhưng tôi cho rằng nó không có sức nặng ràng buộc. Theo tôi, việc các tuyên bố của Trung Quốc nhấn mạnh nguyên tắc “im lặng là đồng ý” không có mấy sức nặng. Chính phủ miền Nam Việt Nam đã công khai phản đối các tuyên bố của Trung Quốc và cố gắng giữ các đảo, nhưng họ không ngăn được Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Trung Quốc đơn giản bỏ mặc sự phản đối của Sài Gòn. Nếu Hà Nội có phản đối lúc đó, kết quả cũng sẽ vậy thôi.

Tiến sĩ Balazs kết luận, do lá thư của Phạm Văn Đồng chỉ có giá trị pháp lý hạn chế, nên một sự thảo luận công khai về vấn đề sẽ không có hại cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng dĩ nhiên chính phủ hai nước có thể nhìn vấn đề này theo một cách khác.(4)

Còn theo Tiến sĩ Luật Từ Đặng Minh Thu của Đại học Sorbonne, Pháp Quốc, thì cho rằng những lời tuyên bố trên của Thủ tướng Phạm văn Đồng không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hòa luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng không tuyên bố điều gì có thể làm hại đến chủ quyền này cả. Tác giả Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau:

“Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”

(Có thể dịch là: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”).

Một lý lẽ thứ hai nữa là đứng trên phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.

Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực. Tuy nhiên, có tác giả đã nêu thuyết “estoppel” để khẳng định những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam, và Việt Nam bây giờ không có quyền nói ngược lại.

Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. Điều 38 Quy chế Tòa án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold.” Nhưng thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó.

Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính:

1. Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch (clair et non equivoque).

2. Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance”.

3. Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó.

4. Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. Thí dụ: bản án “Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án “Ngôi đền Preah Vihear”,…

Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó.

Thuyết estoppel với những điều kiện trên đã được án lệ quốc tế áp dụng rất nhiều. Trong bản án “Thềm lục địa vùng biển Bắc” giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Đan Mạch, Hà Lan, Tòa án quốc tế đã phán quyết rằng estoppel không áp dụng cho Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù quốc gia này đã có những lời tuyên bố trong quá khứ nhằm công nhận nội dung của Công ước Genève 1958 về thềm lục địa, vì Đan Mạch và Hà Lan đã không bị thiệt hại khi dựa vào những lời tuyên bố đó.

Trong bản án “Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua” giữa Nicaragua và Mỹ, Toà đã phán quyết như sau: “… ‘Estoppel’ có thể được suy diễn từ một thái độ, những lời tuyên bố của một quốc gia, nhằm chấp nhận một tình trạng nào đó; thái độ hoặc lời tuyên bố không những phải được phát biểu một cách rõ rệt và liên tục, mà còn phải khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác dựa vào đó mà thay đổi hoạt động, và do đó phải chịu thiệt hại”.

Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó. Lúc đó hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Những lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình hữu nghị Hoa-Việt.

Hơn nữa, lời văn của bản tuyên bố không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa. Bức công hàm chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc), và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc…”.

Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là một lời hứa đơn phương, một lời tuyên bố ý định sẽ làm một việc gì (declaration d’intention). Thật vậy, đây là một lời hứa sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải của Trung Quốc, và một lời hứa sẽ ra lệnh cho cơ quan công quyền của mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung Quốc.

Một lời hứa thì lại càng khó ràng buộc quốc gia đã hứa. Tòa án Quốc tế đã ra thêm một điều kiện nữa để ràng buộc một lời hứa: đó là ý chí thực sự của một quốc gia đã hứa. Nghĩa là quốc gia đó có thực sự muốn bị ràng buộc bởi lời hứa của mình hay không. Để xác định yếu tố “ý chí” (intention de se lier), Toà xét tất cả những dữ kiện xung quanh lời tuyên bố đó, xem nó đã được phát biểu trong bối cảnh, trong những điều kiện nào (circonstances). Hơn nữa, nếu thấy quốc gia đó có thể tự ràng buộc mình bằng cách ký thoả ước với quốc gia kia, thì lời tuyên bố đó là thừa, và Tòa sẽ kết luận là quốc gia phát biểu không thực tình có ý muốn bị ràng buộc khi phát biểu lời tuyên bố đó. Vì vậy, lời tuyên bố đó không có tính chất ràng buộc.

Trong bản án “Những cuộc thí nghiệm nguyên tử” giữa Úc, New Zealand và Pháp, Pháp đã tuyên bố là sẽ ngừng thí nghiệm nguyên tử. Toà án đã phán quyết rằng Pháp bị ràng buộc bởi lời hứa vì Pháp thực sự có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó.

Trong trường hợp Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Ông đã phát biểu những lời tuyên bố trên trong tình trạng khẩn trương, chiến tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe doạ Trung Quốc. Ông đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm gây một lực lượng chống đối lại với mối đe doạ của Mỹ.

Lời tuyên bố năm 1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như vậy. Động lực của lời tuyên bố đó là tình trạng khẩn trương, nguy ngập ở Việt Nam. Đây là những lời tuyên bố có tính chính trị, chứ không phải pháp lý.

Nếu xét yếu tố liên tục và trường kỳ thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hội đủ tiêu chuẩn này. Estoppel chỉ đặt ra nếu chấp nhận giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một; và cả Pháp trong thời kỳ thuộc địa, và Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 cũng là một đối với Việt Nam hiện thời. Nếu xem như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia riêng biệt với Việt Nam hiện thời, thì estoppel không áp dụng, vì như đã nói ở trên, lời tuyên bố sẽ được xem như lời tuyên bố của một quốc gia không có quyền kiểm soát trên lãnh thổ tranh chấp. Như vậy, nếu xem Việt Nam nói chung như một chủ thể duy nhất từ xưa đến nay, thì ba lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một sự phát biểu có ý nghĩa chính trị trong đoản kỳ thời chiến, so với lập trường và thái độ của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay.

Tóm lại, những lời tuyên bố mà chúng ta đang phân tích thiếu nhiều yếu tố để có thể áp dụng thuyết estoppel. Yếu tố “reliance” (tức là quốc gia kia có dựa vào lời tuyên bố của quốc gia này mà bị thiệt hại), và yếu tố “ý chí” (tức là quốc gia phát biểu lời hứa có ý muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó) rất quan trọng. Không có “reliance” để giới hạn sự áp dụng của estoppel thì các quốc gia sẽ bị cản trở trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Các quốc gia sẽ phải tự ép buộc cố thủ trong những chính sách ngoại giao lỗi thời.

Khi điều kiện chung quanh thay đổi, chính sách ngoại giao của quốc gia kia thay đổi, thì chính sách ngoại giao của quốc gia này cũng phải thay đổi. Các quốc gia đổi bạn thành thù và đổi thù thành bạn là chuyện thường.

Còn những lời hứa đơn phương trong đó quốc gia không thật tình có ý muốn bị ràng buộc, thì nó chẳng khác gì những lời hứa vô tội vạ, những lời hứa suông của các chính khách, các ứng cử viên trong cuộc tranh cử. Trong môi trường quốc tế, nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” (état souverain) rất quan trọng. Ngoại trừ tục lệ quốc tế và những điều luật của Jus Congens, không có luật nào ràng buộc quốc gia ngoài ý muốn của mình, khi mà quốc gia này không gây thiệt hại cho quốc gia nào khác. Vì vậy ý chí của quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tính chất ràng buộc của một lời hứa đơn phương.(5)

Ông Lưu Văn Lợi, cựu Chánh văn phòng-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989) đã nhận xét: “Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ Trung Quốc trong lúc Mỹ đưa hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi”.(6)

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi là xác đáng nhưng cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm văn Đồng không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm và đã trả giá trong bàn đàm phán Geneve năm 1954, khi bàn về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng kinh nghiệm ấy cũng không ngăn ông được khi giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc vì Việt Nam đã tạo nên ấn tượng rằng Việt Nam đã tự nguyện chấp nhận những hy sinh vì lợi ích của đường lối chung về “cùng tồn tại hòa bình” đang thịnh hành trong thế giới xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Nhưng quan trọng hơn hết, từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nước Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt và hiện nay là là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Tất cả những chứng cứ mà phía Trung Quốc đưa ra đều vô hiệu!

Chú Thích:

(1) Nguồn:
http://news.xinhuanet.com/english2010/indepth/2011-06/14/c_13929394.htm
(2) www.fmprc.gov.cn, ngày 17/11/2000
(3) Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt-Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an, Hà Nội, 1995, trang 105.
(4) BBC ngày 24-1-2008 và tổng hợp ý kiến của Tiến sĩ Balazs
(5) Từ Đặng Minh Thu,Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc,Thời Đại Mới, Số 11/7/2007).
(6) BBC Vietnamese.com ngày 18/09/2008. Bài “Trung Quốc xuyên tạc cử chỉ hữu nghị”.

*Bài viết do nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi trực tiếp cho NXD-Blog.

Nguồn : Blog Nguyễn Xuân Diện
http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/06/cong-ham-cua-thu-tuong-pham-van-ong-va.html

Khi học giả quốc tế "chỉnh huấn" Trung Quốc về Biển Đông

Hoàng Phương (tuanvietnam) -

Một phóng viên nước ngoài đã nhận xét, có lẽ vì vấn đề Biển Đông nên thu hút rất đông học giả và chính khách tên tuổi đến dự hội thảo về an ninh hàng hải tại Biển Đông do CSIS tổ chức. Căn phòng chật kín đến mức TS Termsak Chalermpalanupap phải ngạc nhiên và nghiệm ra độ nóng của vấn đề Biển Đông.

Ngày thảo luận đầu tiên 20/6 (giờ Washington) căng và nóng rẫy sau phần tham luận trình bày quan điểm và chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông của GS Tô Hạo đến từ ĐH Ngoại giao Trung Quốc.
Chất vấn và chỉnh huấn, có vẻ đó là những gì các học giả và chính khánh quốc tế tại Hội thảo đã làm với vị giáo sư Trung Quốc và những đồng sự của ông. Đã có lúc, TS Tô Hạo phải kêu lên: "tôi không phải là người phát ngôn của Trung Quốc".

Ai sợ ai?

Trong bài phát biểu của mình, GS Tô Hạo cho rằng, chính hành động của các nước trong khu vực đã làm cho Trung Quốc "sợ" (scared).

"Một vài nước nói rằng Trung Quốc những năm gần đây có thái độ quá mạnh đối với vấn đề biển Đông, nhưng tôi tin là lý do Trung Quốc có thái độ quyết đoán như vậy bởi một vài nước đã có những phản ứng quá mạnh đối với những gì đang xảy ra chống lại Trung Quốc. Đó là lý do làm cho Trung Quốc sợ và làm cho chúng tôi phải nói gì đó để bảo vệ chủ quyền đối với Biển Đông".

Đến từ Viện nghiên cứu Brookings, TS Tạ Tuấn đặt câu hỏi, "hành động nào của láng giềng khiến Trung Quốc sợ? Là hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam và Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở được công nhận bởi Công ước Luật biển quốc tế 1982 của mỗi nước chăng? Là hoạt động thăm dò của công ty dầu khí cũng trong vùng đặc quyền kinh tế ấy mà Trung Quốc đã cho tàu hải giám (tàu quân sự cải hoán) cắt cáp chăng?

Không chỉ ra được hành động nào, vị GS Trung Quốc phân bua: "Không hẳn là sợ... Nhưng cá nhân tôi lo ngại. Rõ ràng, những năm trước, có rất nhiều hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông. Một năm trở lại đây, căng thẳng gia tăng...

Vì sao căng thẳng gia tăng một năm trở lại đây? Câu hỏi của ông Tô Hạo đã được hầu hết các học giả tại diễn đàn này chỉ ra. Thỏa thuận về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông đã không thể ngăn được leo thang tranh chấp, không ngăn được hành động gây hấn của Trung Quốc. Hơn nữa, như TNS Mỹ John McCain chỉ ra, các hành động này dựa trên "các quyền tự phong" của Trung Quốc.

GS Tô Hạo, ĐH Ngoại giao Trung Quốc

Điều đáng nói, như TS Termsak Chalermpalanupap lưu ý, khi chiến hạm Mỹ đi qua đường chữ U để vào Đà Nẵng thì Trung Quốc không lên tiếng phản đối, nhưng khi ngư dân Việt Nam hay các tàu của VietnamPetro hoạt động ở khu vực này thì gặp những phiền nhiễu do phía Trung Quốc gây nên.

"Nghe phần trình bày của GS Tô Hạo, tôi mới thấy rõ một điều, Trung Quốc và ASEAN khác nhau về phong cách", TS Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN nhận xét.

Dừng một chút, ông tấn công: "Các nước ASEAN thì nói và nói (talk and talk) còn Trung Quốc thì miệng nói và tay làm (talk and take)".

Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ chia sẻ, "nếu tôi là các nước ASEAN, tôi sẽ rất lo lắng".
"
Theo tôi biết, Trung Quốc đề xuất thương lượng với ASEAN, rằng cùng hợp tác, lo phát triển kinh tế, và chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Đó là cuộc thương lượng tồi, bởi lẽ ASEAN sẽ phải hi sinh lợi ích lâu dài để đổi lại lợi ích thương mại ngắn hạn với Trung Quốc".

"Tại sao Trung Quốc quyết tâm thực hiện kiểm soát Biển Đông và các nguồn tài nguyên của nó?", TS Peter Dutton nêu câu hỏi trong khi chính học giả Trung Quốc lại thắc mắc với học giả Việt Nam, tại sao các sự kiện giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này.
"
Đây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-la", TS Trần Trường Thủy, Học viện Ngoại giao Việt Nam đáp lời.

Bà Bonner Glaser, Giám đốc Ban Trung Quốc của CSIS nhắc lại việc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) như dựng cột mốc chủ quyền trên các bãi đá ngầm ở Amy Douglas Bank thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và cắt dây cáp thăm dò dầu khí thuộc tàu Bình Minh 2 và tàu Viking của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực trước đây chưa hề bị tranh chấp.

Theo bà, những diễn tiến xảy ra tại Biển Đông gắn chặt với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nơi mà chủ nghĩa quốc gia đã đi hơi quá đà, đặt ra thách thức cho giới lãnh đạo Bắc Kinh trong thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo.

Trước đó, dẫn lại lời của GS Tô Hạo, "chủ quyền là lợi ích quốc gia mà một chính thể không thể từ bỏ, nếu muốn tồn tại", một học giả đến từ Philippines đưa ra nghi vấn, phải chăng, có quá nhiều vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Hơn nữa, "Trung Quốc chưa thu được giọt dầu nào từ Biển Đông, trong khi nhiều nước ASEAN như Việt Nam, Philippines đã khai thác được dầu khí. Chúng tôi đòi chia sẻ lợi ích công bằng", GS Tô Hạo nói.

"Đường lưỡi bò - một yêu sách tham lam, thiếu căn cứ"

"Vấn đề là Trung Quốc yêu sách tất cả", học giả đại diện cho ASEAN, TS Termsak Chalermpalanupap lên tiếng. "Vì yêu sách này, Trung Quốc đã tạo chồng lấn với các nước thành viên ASEAN, và đó là lí do Trung Quốc luôn muốn tiếp cận song phương", ông nói.

Ông Bower, bà CAitlyn, TS Trần Trường Thủy, GS Carl Thayer và Ian Storey tại hội thảo.

Các học giả đều chia sẻ quan điểm rằng Trung Quốc đang "yêu sách tham lam, thiếu căn cứ" với bản đồ 9 đoạn hình chữ U mới được trình lên LHQ cách đây chưa lâu.

Với yêu sách đường chữ U, Trung Quốc thực sự đòi bao nhiêu trên Biển Đông? Tất cả Biển Đông chăng? Bản đồ 9 đoạn hình chữ U thực chất thể hiện điều gì, và dựa trên cơ sở nào, rất nhiều học giả nêu câu hỏi.

Khẳng định "không phải Trung Quốc đòi hỏi toàn bộ Biển Đông", thế nhưng GS Tô Hạo cũng không lí giải được nguồn cơn của đường chữ U. "Đây là vấn đề phức tạp".

Ông đã viện dẫn "di sản lịch sử" để biện minh cho đường chữ U, rằng đó là di sản lịch sử sau Chiến tranh thế giới thứ 2, là di sản của thời Tống để lại...

Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, Caitlyn Antrim, khẳng định đường chữ U không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ.

"Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường chữ U đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Đối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó", bà Caitlyn Antrim nói.

Không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò liên quan tới lịch sử, TS Peter Dutton nói: "Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS...Việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS".

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.
"
Trung Quốc yêu sách đường chữ U nhưng lại không rõ thực ra đường chữ U thể hiện điều gì. Trung Quốc nói quan hệ bạn bè, thực ra cũng không biết có phải là bạn hay không. Giống như anh vừa giơ tay ra bắt, vừa cướp thức ăn trên tay bạn", một học giả Philippines nói.

"Nếu Trung Quốc đã tự tin như vậy về cơ sở cho yêu sách của mình, sao lại phản đối sự tham gia của bên thứ ba trong việc giải quyết vấn đề? Hiện có nhiều cơ chế theo UNCLOS hay ICJ...

Chia sẻ góc nhìn này, một học giả gốc Việt đang sống tại Mỹ nói, sao Trung Quốc lại khăng khăng đòi giải quyết song phương với các nước nhỏ? Để Trung Quốc dễ bề "chia rẽ các nước ASEAN, để các nước đối đầu với nhau" như nhận định của TNS John McCain chăng?

Hành xử trách nhiệm?

Học giả Trung Quốc luôn khẳng định, Trung Quốc "hành xử trách nhiệm", "hành xử theo luật và các quy chuẩn quốc tế", vì "hình ảnh quốc gia". Trung Quốc luôn "cố gắng hạ nhiệt để giảm căng thẳng", "sẵn sàng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông".

"Nghe Trung Quốc nói về chính sách, nước nào cũng thấy vui, nhưng hi vọng, Trung Quốc thực hành những gì mình nói", TS Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam dẫn lại phát biểu của một quan chức ASEAN. Đáng tiếc "vẫn tồn tại khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc, và khoảng cách ấy đang lớn lên".

TNS John Mc Cain: Trung Quốc đang hành xử hiếu chiến và yêu sách tham lam ở Biển Đông

Thiện chí hợp tác của Trung Quốc đến đâu, cứ nhìn quá trình chuyển từ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, mang tính cam kết chính trị, sang Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC mang tính ràng buộc pháp lý cao là thấy.

ASEAN đã rất nỗ lực để đạt đồng thuận trong vấn đề COC, TS Termsak Chalermpalanupap cho hay.
Gần 10 năm trước, khi bàn về DOC, chính các nước ASEAN đã không thể thống nhất được phạm vi điều chỉnh của các quy tắc ứng xử, đành chấp nhận một giải pháp tình thế, không nhắc đến trong văn bản.

"Lúc này, tất cả các thành viên ASEAN đã sẵn sàng thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC", vượt qua trở ngại cũ.

20 lần, các nước ASEAN đã thống nhất được đề nghị về COC để đưa ra bàn với Trung Quốc. Và cả 20 lần, Trung Quốc đều bác bỏ. Tuần qua, ASEAN lại vừa họp, và bản đề nghị thứ 21 đã hình thành.
"Trung Quốc đang gây khó khăn trong đàm phán về quy tắc ứng xử", vị học giả đại diện cho ASEAN nói.

"Muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, trước hết, Trung Quốc phải thay đổi quan điểm của mình", một học giả nói.

Muốn "giữ hình ảnh quốc gia", Trung Quốc sẽ không được quên, thế giới đang nhìn vào hành xử của nước này ở Biển Đông.

"Thái độ hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông giúp Ấn Độ hiểu được thái độ và hành xử mà Trung Quốc có thể áp dụng với nước láng giềng Ấn Độ và với biển Ấn Độ Dương", ông Amer Latif, thuộc Trung Tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Ấn Độ nói.

Tại Hội thảo, có học giả đã lạc quan hi vọng, GS Tô Hạo và các đồng nghiệp của ông sẽ "thay đổi cách nhìn về Biển Đông" bằng cách lắng nghe các nước. Và sự thay đổi nhận thức từ những học giả lớn của Trung Quốc sẽ lan tỏa đến chính sách.

Còn Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhắn nhủ tới đồng nghiệp Trung Quốc, có lẽ, ông nên tới Hà Nội hay Manila, để nhìn chính sách của Trung Quốc theo cách khác.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-22-khi-hoc-gia-quoc-te-chinh-huan-trung-quoc-ve-bien-dong

Bao giờ thì Biển Đông lặng sóng bành trướng ?

Nguyễn Nghĩa 650 (danlambao) - Kể từ 9/2009 , khi Trung Quốc gửi lên LHQ tấm bản đồ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông , đến nay họ đang đi vào giai đoạn hiện thưc ý đồ bành trướng này.

Nhìn vào bản đồ Biển Đông , ta thấy :

Đường lưỡi bò lấy tâm điểm , hay chính xác hơn điểm hạt nhân là Hoàng sa và Trường sa .

Nếu Hoàng sa và một số đảo Trường sa không thuộc Trung quốc quản lý như hiện nay, thì yêu sách đường lưỡi bò là hoàn toàn vô lý , không có một chút cơ sở pháp lý nào.

Ta hãy trở lại với việc Trung quốc tranh dành Hoàng sa , Trường sa với Việt nam ra sao, để hiểu rõ hơn kế sách mà Trung quốc đang tiến hành .

KẾ HIỂM "VÔ TRUNG SINH HỮU" : TRONG CÁI KHÔNG SINH CÁI CÓ.

Nếu chỉ kể từ thế kỷ thứ 19 đến nay, thì ngay từ năm 1816 Hoàng đế Gia Long Triều Nguyễn đã tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa sau khi triều đại này thành lập năm 1802. Năm 1930 Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của An Nam, và chủ quyền đối với Trường Sa cho Pháp. Năm 1933 Pháp chính thức chiếm cứ một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó bao gồm đảo Trường Sa, Ba Bình, Thị Tứ và Loại Ta.

Năm 1939, Phát xít Nhật chiếm toàn bộ Hoàng sa và Trường sa từ tay Pháp và Việt nam , biến 2 quần đảo ấy thành căn cứ quân sự trên Biển Đông , đối chọi với Hoa kỳ .

Năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Nhật đã rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặt các đảo vào tình trạng ‘không có người ở’ .

Năm 1946, lợi dụng Pháp đang gặp khó khăn trong việc chiếm lại Việt nam , Trung quốc cho quân lập sự hiện diện trên đảo Phú Lâm ( ở phía Đông của quần đảo Hoàng Sa) và Ba Bình (Trường Sa).


Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa

Như vậy mặc dù từ không có gì , Trung quốc đã cố tình bỏ qua chủ quyền của Việt nam, thiết đặt sự hiện diện của mình tại Hoáng sa và Trường sa . Sự hiện diện này là trái với luật pháp quốc tế , xâm phạm chủ quyền của Việt nam . Sau khi đã có mặt trên một số đảo của Hoàng sa và Trường sa , Trung quốc bắt đầu xây dựng cơ sở pháp lý bằng tuyên bố chủ quyền của họ đối với Hoàng sa , Trường sa .

Kế biến không thành có của họ là như vậy .

Do sự nhận thức yếu kém của Việt nam về biển đảo. Do sự mù quáng , cả tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản , Việt nam đã đấu tranh không đủ mạnh cả về việc đưa ra công luận thế giới, cả đến việc cương quyết không chịu lùi một tất đất , tất biển của tổ tiên để lại .

Ngày hôm nay, toàn bộ Hoàng sa đã nằm trong quyền kiểm soát của Trung quốc sau việc dùng vũ lực 1974.

Một số đảo thuộc Trường sa cũng bị Trung quốc chiếm bằng hải chiến 1988.

Trên cơ sở này , Trung quốc dấn tiếp bành trướng ra Biển Đông băng đường chín khúc " lưỡi bò trung hoa ". Đặt Biển Đông vào quyền lợi cốt lõi của Trung quốc , ngụ ý sẽ dùng tất cả biện pháp kể cả vũ lực để bảo vệ "" cốt lõi" ấy. Trung quốc đang gây căng thẳng trên Biển Đông .

Đây cũng là một hình thức hợp pháp hóa cho cái gọi là "có" sau khi được hóa phép từ "không có".

Đường lưỡi bò là hậu quả nghiêm trọng của chính sách cầu hòa, quị lụy của chính phủ cộng sản Việt nam .

Việc để cho đất đai tổ tiên rơi vào tay Trung quốc mà không có đối sách rõ ràng, đã khuyến khích Trung quốc ngang ngược thực hiện kế hoạch bành trướng của họ ra Biển Đông .

Nguy hiểm hơn nữa , Trung quốc vẫn chưa chịu dừng ở vị trí này .

Họ còn muốn nhiều hơn nữa . Muốn chiếm hết cả Biển Đông . Cả vùng biển 200 hải lý tính từ đất liền của Việt nam.

Việc cắt cáp thăm dò dầu khí ngày 26/5/11 của tầu Bình minh 02, cắt cáp của tầu Viking II ngay 9/6/11 tại vùng biển 200 hải lý của VIỆT NAM, việc chính phủ Trung quốc tuyên bố đây là lãnh hải thuộc Trung quốc , đang được các nhà bình luận chính trị Việt nam và thế giới đánh giá là Trung quốc tiếp tục dùng mưu biến không thành có , biến vùng biển của Việt nam thành vùng biển của Trung quốc , biến vùng biển không tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Đây là sự kiện chưa hề có trên thế giới . Hành động ngang ngược này của Trung quốc chứng tỏ dã tâm lớn của Trung quốc .

Đây là mưu cũ mà có nội dung mới . Chung qui vẫn chỉ là : cướp của Việt nam , to mồm la làng , dùng sức mạnh lấn lướt ép Việt nam chịu lép . Lâu ngày Việt nam phải thua , phải chịu chấp nhận hiện trạng .

Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia.

Biển Đông ngoài trữ lượng dầu hỏa , khí đốt, còn mang lại nguồn hải sản lớn lao . Thí dụ Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm). Một điều rất quan trọng là vị trí chiến lược của nó trong tranh dành quyền lực của Trung quốc với Hoa kỳ tại Châu á Thái bình dương.

Vì vậy việc hy vọng dùng lẽ phải, dùng luật quốc tế để thảo luận với Trung quốc cơ hồ đòi lại chủ quyền ở Hoàng sa , Trường sa là điều gần như không tưởng .

Vụ cắt cáp ngày 26/5 và 9/6 trong lãnh hải Việt nam là một bước tiến nguy hiểm của Trung quốc trong kế hoạch bành trướng của họ ra Biển Đông . Trong kế hoạch này , họ sẽ đưa tầu sân bay vào hoạt động trên Biển Đông , đưa đe dọa không lực tới gần vùng biển đang tranh chấp .Cũng trong giai đoạn này , Trung quốc sẽ đưa vào Biển Đông dàn khoan khổng lồ có khả năng khoan sâu 12 000 m, để khai thác dầu khí .

Nếu tính từ 1958, khi quốc hội Trung quốc tuyên bố chủ quyền của Trung quốc đối với Hoàng sa, Trường sa, đến 1974, khi Trung quốc dùng hải chiến chiếm Hoàng sa, là 16 năm. Nếu tính từ 9/2009, khi Trung quốc lấp lửng nói về đường lưỡi bò, đến ngày 29/5/11 khi người phát ngôn chính phủ Trung quốc tuyên bố việc tầu hải giám của họ vào sâu 80 hải lý hải phận Việt nam , cắt cáp thăm dò dầu khí, là việc làm bình thường trong lãnh hải Trung quốc, thì thời gian là chưa đến 2 năm .

Trung quốc đang rất cần dầu hỏa . Trung quốc đang bất chấp tất cả . Trung quốc đang " Biến không thành có " : đang biến không tranh chấp thành có tranh chấp. Đang biến vùng biển Việt nam thành vùng biển Trung quốc. Đang biến không có chủ quyền thành có chủ quyền.

Kế sách này do Quỷ cốc tử truyền dậy, có tên gọi là "Vô trung sinh hữu ": trong không biến thành có .

Trung quốc đã áp dụng một cách thành công kế sách này trong đàm phán biên giới trên bộ với Việt nam . Họ đã có kinh nghiệm trong đấu tranh dành phần lợi cho mình . Quả vậy , ta thấy Ải Mục nam quan , nơi Nguyễn Trãi gạt giọt lệ thương cha Nguyễn Phi Khanh , quay đầu , lấy kế sách đuổi giặc Minh làm "hiếu" , đã nằm trong đất Trung quốc . Thác Bản giốc, một phong cảnh tuyệt đẹp của rừng núi Việt nam, đã mất một nửa với lũ người tham lam này . Cao điểm 1509 Hà giang, năm 1984 còn chứng kiến sự hi sinh anh hùng của hơn 3770 chàng trai Việt, đã trở thành nơi chụp ảnh khoe khoang của bọn lính Trung quốc …

Ngày nay, họ định dựng chuyện hải phận 200 hải lý của Việt nam là của Trung quốc.

Họ định nói nhiều lần thì thế giới phải quen, Hoa kỳ phải quen. Sau đó, khi thơi cơ thuận lợi, sẽ tạo cớ để dùng vũ lực để đè bẹp Việt nam . Nếu Việt nam hèn kém , rệu rạo, không đủ sức chống lại thì vùng biển này sẽ là của Trung quốc . Nếu Việt nam có sức chống lại , nhưng đảng cộng sản Việt nam sợ nhân dân hơn sợ Trung quốc , họ sẽ hối lộ Bộ chính trị ĐCS VN, sẽ đề nghị “chia đôi” , hay “gác chủ quyền , cùng nhau khai thác” .

Đây chính là kế sách “trong không sinh có”, mà Trung quốc đang áp dụng .

Nhưng người việt nam không phải ai ai cũng là những "con cừu" . Thế giới không phải ai ai cũng khờ khạo để Trung quốc qua mặt . Bộ mặt của một anh “hàng xóm to xác nhưng xấu tính “, tham lam, nhỏ mọn, hay dùng mẹo bẩn, tiểu nhân... đã bị cả thế giới vạch trần .

Những sự kiện ngày 26/5/11 và 9/6 /11 đã bộc lộ hết bản chất xấu chơi , bành trướng quyết liệt , bất chấp thủ đoạn của ĐCS Trung quốc .

Đây là cột mốc để ĐCS VN , chính phủ Việt nam từ bỏ hợp tác chiến lược với Trung quốc , từ bỏ đường lối 16 chữ sảo trá , 4 tốt đểu giả , lật lọng , bước một bước mạnh sang cộng đồng các nước dân chủ trên thế giới .

Đây cũng là cột mốc đánh giá sự thất bại của một chính sách cầu hòa , một chính sách ngu muội đặt lợi ích đảng cộng sản việt nam lên trên lợi ích dân tộc Việt nam. Đây là sự xụp đổ của ảo vọng dựa vào các đồng chí Trung quốc , dựa vào tinh thần quốc tế vô sản của đảng cộng sản trung quốc, hòng nắm độc quyền lãnh đạo dân tộc, đất nước Việt nam của đảng cộng sản việt nam .

CÔNG HÀM CỦA THỦ TƯỚNG CỘNG SẢN VIỆT NAM PHẠM VĂN ĐỒNG GỬI THỦ TƯỚNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC CHU ÂN LAI ngày 14 tháng 9 năm 1958.

Đây là lá bài tẩy duy nhất mà Trung quốc có thể dùng để đấu tranh chủ quyền ở Hoàng sa , Trường sa của họ . Cho đến nay , họ chưa công bố được một tài liệu có tính lịch sử nào, có thể chứng minh họ có quyền bàn luận về chủ quyền ở Hoàng sa , Trường sa .

Để bài viết có tính chặt chẽ , tôi xin trích dưới đây 2 văn kiện quan trọng :

1. Tuyên bố cua Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa .

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 đại hội uỷ viên thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc hội nghị thứ 100 thông qua quyết định phê chuẩn về tuyên bố lãnh hải của chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

* Một: Lãnh hải của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc.

2. Trả lời của Thủ tướng Việt nam Phạm Văn Đồng .

Toàn văn :

“Thưa Ðồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Ðồng chí Tổng lý rõ :

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể

Chúng tôi xin kính gởi Ðồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà-Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

Phạm Văn Ðồng (ấn ký)

Thủ tướng Chính phủ

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa

Kính gửi :

Ðồng chí Chu Ân Lai

Tổng lý Quân vụ viện”


Trang mạng BVN ngày 16/06/2011, có đăng bài "Có phải bức công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là lá bài tẩy trong tình hữu nghị Việt-Trung?" tác giả Đinh Kim Phúc đã phân tích chi tiết nội hàm của bức công hàm của Thủ tướng Việt nam gửi Thủ tướng Trung quốc Chu Ân Lai .

Ở đây tôi xin đưa ra những lĩnh hội và ý kiến bản thân về bức Công hàm quan trọng này.

1. Công hàm đề ngày 14/9/1958. Trong công hàm của Thủ tướng Việt nam chỉ rõ là "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc."

Bản Tuyên bố của Trung quốc có 2 điểm chính mà ta phải để ý :

(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý.

(2) Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Việc Thủ tướng cộng sản Việt nam tán thành Tuyên bố của chính phủ Trung quốc chỉ là một cử chỉ có tính chính trị mà không có tính pháp luật .

Hòang sa , Trường sa lúc này đang thuộc chủ quyền của Việt nam cộng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu .

Vì thế mà Thủ tướng Việt nam không dám đả động một từ nào về Hoàng sa , Trường sa , ông ta chỉ viết :"Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển."

Trung quốc không thể coi đây là sự chấp nhận chủ quyền của Trung quốc tại Hoàng sa , Trường sa được .

Công hàm này chỉ có giá trị khi Việt nam chưa thống nhất . Từ 1975 trở lại đây , chính phủ của nước Việt nam thống nhất chưa hề tuyên bố nhất trí với tuyên bố của Phạm Văn Đồng .

Việt nam dân chủ cộng hòa không thể công nhận cho Trung quốc một điều mà bản thân mình không sở hữu : chủ quyền Hoàng sa , Trường sa đang thuộc về quốc gia khác: Việt nam cộng hòa .

Hơn nữa chủ quyền về Biển và đảo quyết không chỉ do một công hàm của Thủ tướng cộng sản quyết định .

Nó phải được một quốc hội Việt nam đại diện cho toàn dân tộc Việt nam quyết định . Ngay cả quốc hội hiện nay do 90% đảng viên đảng cộng sản Việt nam chiếm giữ, cũng không đại diện cho toàn bộ dân tộc Việt nam .
Người Trung quốc đã thừa biết như thế nào là những hiệp định, hiệp ước bất bình đẳng khi Trung quốc yếu, buộc phải ký với những nước mạnh hơn .

Họ không thể sử dụng công hàm ngày 14/9/1958 làm bằng chứng cho rằng chính phủ nước Việt nam đã công nhận chủ quyền của họ ở Hoàng sa , Trường sa .

Những người dân chủ Việt nam tuyên bố rằng : Toàn bộ quần đảo Hoàng sa là của Việt nam . Trung quốc phải trả lại Hoàng sa cho Việt nam. Trung quốc phải trả lại cho Việt nam những hòn đảo thuộc Trường sa mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm .Không những thế , trên bộ , Nhà nước cộng sản Việt nam đã ký hiệp ước bất bình đẳng với Trung quốc , để cho Trung quốc lấn chiếm Ải Mục Nam quan , thác Bản dốc , cao điểm 1509 Hà giang ...Những điểm bất bình đẳng này phải được xét lại trong tương lai dân chủ của Việt nam .

Kết thúc mục này, tôi đính kèm bản đồ "lưỡi bò trung quốc" .



Bạn đọc có thể thấy , nếu Việt nam đòi thành công Hoàng sa ,. Trường sa, thì đó cũng là lúc mộng bành trướng Biển Đông của người trung quốc tan vỡ . Họ sẽ phải quay trở lại, hài lòng với đường cong có thể sẽ nhiều hơn chín đoạn, chạy song song với bờ biển của họ .

Lúc đó cái lưỡi bò ấy sẽ không còn khuấy động được sóng nước Biển Đông nữa . Lúc đó Biển Đông sẽ lặng sóng bành trướng.

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO DÂN TỘC CHỐNG LẠI BÀNH TRƯỚNG TRUNG QUỐC .

Trước hết sự yếu kém của ĐCS VN nằm ở chính học thuyết Quốc tế vô sản, một bộ phận của CN Mác -Lênin. Đảng cộng sản Việt nam không lĩnh hội được bản chất của CN quốc tế vô sản là dương ngọn cờ giai cấp, thông qua viện trợ gọi là vô tư “quốc tế vô sản”, mà các nước cộng sản lớn như Trung quốc , Liên xô khống chế , để lệ thuộc các nước đàn em vào phe cánh của mình .

Vì nhận viện trợ của Trung quốc mà Phạm Văn Đồng phải hạ bút ký Hiệp định Genève, 1954 chia cắt lãnh thổ Việt nam . Điều này chỉ có lợi cho Trung quốc : có một nước Việt nam yếu ớt bị chia cắt bên cạnh biên giới mình an toàn hơn một nước Việt nam thống nhất , hùng cường .

Vì viện trợ quốc tế vô sản mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng không dám mếch lòng Trung quốc trong công hàm ngày 14/5/1958. Đây là cớ để Trung quốc thực hiện các mưu kế " vô trung sinh hữu" đối với Hoàng sa , Trường sa .

Vì viện trợ quốc tế vô sản mà năm 1974 , khi Trung quốc đánh chiếm Hoàng sa từ tay Việt nam cộng hòa , chính phủ cộng sản Miền Bắc Việt nam không một lời phản đối .

Vì viên trợ quốc tế vô sản mà 1975 , quân đội Việt nam nhận được lệnh giải phóng các đảo do VNCH cai quản mà không dám động đến các đảo do Trung quốc đã cướp từ tay chính quyền Sài gòn 1974.

Vì viện trợ của Trung quốc bị bọn Việt nam phản bội mà Trung quốc gây chiến tranh biên giới 1979.

Vì tinh thần giai cấp anh em mà 1988 , khi Trung quốc hải chiến chiếm một số đảo tại Trường sa , Việt nam bỏ qua như không phải đảo biển của tổ tiên để lại .

Từ năm 1990 lại đây , ĐCS VN, chính phủ Việt nam đã hoàn toàn bất lực trước các thủ đoạn nham hiểm của Trung quốc . Sau khi bị mê hoặc bởi 16 chữ và 4 điều tốt , Đảng cộng sản Viẹt nam đã tạo điều kiện cho Trung quốc giăng thiên la địa võng trên tổ quốc yêu quí của chúng ta :

1. Trung quốc cho vay tiền, để làm những công trình có hại cho quốc phòng như Thủy điện Sơn la .Trường hợp xẩy ra chiến tranh với Trung quốc như 1979, thì việc dọa phá sập đập thủy điện này là một đòn cân não khủng khiếp. Bởi vì 9,3 tỷ m3 nước sẽ làm ngập lụt đồng bằng Bắc bộ từ 4m đến 60 m. ...

2. Đưa ô nhiễm môi trường vào Việt nam , thí dụ khai thác bôxit Tây nguyên. Những bể bùn đỏ bôxit khi bị vỡ sẽ gây ô nhiễm trầm trọng cho đồng bằng phía dưới Tây nguyên .

3. Đưa người trung quốc vào các địa bàn có tính chất an ninh chiến lược của Việt nam như Tây nguyên , rừng biên giới …

4. Trung quốc tạo các bẫy nợ nần về kinh tế , bẫy kinh tế Việt nam sa vào, như Dự án đường sắt cao tốc …

5. Trung quốc như tằm ăn rỗi , quyết tâm chinh phục Cămpuchia , Lào nhằm bao bọc Việt nam, cô lập Việt nam về mặt chiến lược . Gần đây nhất là chiến tranh Tây -Nam 1978 của Việt nam . Sự hi sinh của các chí nguyện quân Việt nam tại Lào , Cămpuchia đang trở thành vô nghĩa do sự bất tài chính trị của ĐCS VN .

Trung quốc đang dùng chiêu : trên cao thì Mác -Lênin giai cấp , dưới thấp thì bành trướng Đại Hán . Đảng cộng sản Việt nam đã khoanh tay chịu bất lực trước chiêu thức này, như con ếch nhỏ trước con rắn hổ mang hung tợn.

Các vụ ngày 26/5/11 và 9/6/11 vừa qua đã gây xúc động mạnh mẽ trong tình cảm yêu nước của dân tộc Việt nam . Các cuộc xuống đường tự phát ngày 5/6/11 và 12.6/11 đã bị chính phủ Việt nam đàn áp gián tiếp và trực tiếp. Thí dụ như việc bắt các blogers Người buôn gió , mẹ Nấm , Bùi Chát ...trước ngày 5/6/11, hay dùng lực lượng công an mật trấn áp những người tụ tập bột phát trong ngày 12/6/11.

Đây là một bước đi nguy hiểm của chính phủ cộng sản việc nam .

Việc sử dụng lực lượng mật vụ vào đàn áp những người yêu nước phản đối Trung quốc xâm phạm chủ quyền Việt nam là nuôi dường tinh thần sợ Trung quốc , cầu hòa với Trung quốc .

Các lực lượng an ninh này nếu nắm chính quyền, sẽ: ngoài thì thần phục Trung quốc , trong thì tàn sát người Việt nam yêu nước . Đây sẽ là giai đoạn đẫm máu của dân tộc Việt nam .

Đây chính là sự quay trở lại của chế độ diệt chủng Polpot áp dụng tại Việt nam.

Thử hỏi nếu Nhà Trần bức hại những người thích trên cánh tay hai chữ "SÁT THÁT" , thì liệu họ có lập nên trang sử 3 lần chiến thắng Nguyên - Mông không ?

Sợ nhân dân yêu nước , đặt quyền lợi của một nhóm chóp bu cộng sản lên trên quyền lợi dân tộc ,với đạo đức suy đồi , tham nhũng tràn lan khắp các cấp, Đảng cộng sản Việt nam đã không còn khả năng đoàn kết toàn dân tộc Việt nam chống bành trướng Trung quốc .

SỨC MẠNH CỦA TRUNG QUỐC NẰM Ở ĐÂU ?

Hơn 30 năm liên tục tăng trưởng , kinh tế Trung quốc đã đạt tầm cỡ của một nền kinh tế cỡ thứ 2,3 trên thế giới . Thật ra thì không phải đến bây giờ, mà trong quá khứ , kinh tế Trung quốc luôn là một nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ta hãy xem sức mạnh của kinh tế trung quốc hiện đại này nằm ở đâu ?

Câu hỏi này , ai quan tâm đến kinh tế đều trả lời được : Nằm ở khâu xuất khẩu hàng hóa . Bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh đã vô hình chung giúp Trung quốc phát triển thành công mô hình xuất khẩu này .

Xuất khẩu trung quốc dưa trên :

a. Lao động công nhân rẻ mạt .

b. Nhà nước Trung quốc can thiệp vào trị giá đồng Nhân dân tệ, giữ cho nó có giá trị hối đoái thấp, làm đòn bẩy cho xuất khẩu .

Sự can thiệp này là trái với qui luật vận động tự nhiên của nền kinh tế,của đồng tiền. Khi kinh tế phát triển, xã hội sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn thì kèm theo hiện tượng này là giá trị đồng tiền cũng tăng . Đây là tự nhiên , là bình thường.

Chính phủ Trung quốc đã cố tình giữ giá trị đồng tiền của mình ở mức thấp giả tạo, hòng kích hoạt sự tăng cường của xuất khẩu . Đây là sự cướp thành quả lao động của hàng trăm triệu lao động trung quốc . Chính phủ trung quốc biến sức lao động của người dân trung quốc thành hàng hóa giá rẻ , xuất khẩu , đưa đô la về làm dự trữ chiến lược , phục vụ bành trướng .

Câu hỏi đặt ra là : Việc hàng trăm triệu lao động trung quốc lao động kiệt sức mà không được hưởng thành quả của mình, có dẫn đến bất bình trong xã hội trung quốc, làm đảo lộn các kế hoạch bành trướng của Trung quốc hay không ?

Nói cách khác thì giới hạn sự nhẫn nhục chịu thiệt thòi của lao động trung quốc nằm ở mức độ nào ? Khi nào thì sự bất bình của lao động trung quốc sẽ trở thành một cuộc cách mạng ?

Trả lời câu hỏi này, ta phải trở lại lịch sử Trung quốc . Các chế độ phong kiến Trung quốc đều dùng hình phạt thảm khốc để duy trì chữ "sợ" mà thống trị dân chúng .Như chu di cửu tộc ...Chính phủ cộng sản Trung quốc cũng không ngoại lệ . Vụ đói nhân tạo do các chính sách sai lầm của Mao về kinh tế đã làm gần 40 triệu người trung quốc chết đói từ 1953-1957. Sau đó là tem phiếu với khẩu phần dành cho súc vật. Rồi sáo trôn xã hội trong Cách mạng văn hóa vô sản. Rồi xe tăng tiến vào Thiên an môn 6/1989.

Tất cả các sự kiện này đã đè đầu người lao động trung quốc xuống hàng nô lê hiện đại bởi chữ "sợ". Họ thần phục các ý chỉ của Đảng cộng sản Trung quốc .

Cũng còn một lý do quan trọng nữa là các lãnh đạo cao cấp nhất của Trung quốc còn trong sạch . Tham nhũng chưa đến gần được họ .

Việc đảng trị tất nhiên sẽ đưa đến tham nhũng đại trà . Khi tham nhũng là đa số thì cũng là lúc:

Thượng bất chính thì hạ tắc loạn , như Việt nam hiện nay.

Ngày ấy không xa đâu . Là con người , mức chịu đựng cám dũ của đồng tiền ,của phái nữ ...là có giới hạn .

Hàng trăm vị vua của Trung quốc , có bao nhiêu minh quân ?

Ngày ấy sẽ đến và Trung quốc sẽ rơi vào rối loạn .

Lúc này là lúc Việt nam phải thu lại Hoàng sa , Trường sa về Tổ quốc .

TÌNH HÌNH HIỆN TẠI VÀ ĐỐI PHÓ VỚI BÀNH TRƯỚNG TRUNG QUỐC .

Các vụ vào sâu lãnh hải Việt nam, cắt cáp của các tầu thăm dò dầu khí ngày 26/5 /11 ngày 9/6/11 là những màn kịch mà Trung quốc cố tình diễn :

1. Để thử phản ứng của chính phủ Việt nam , nhân dân Việt nam .

2. Để thử phản ứng của công luận Asean, thế giới , của Hoa kỳ .

3. Để chuẩn bị dư luận cho hơn 1300 triệu người dân Trung quốc hình ảnh Việt nam xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung quốc .

Sau khi có được kết quả phép thử , họ sẽ điều chỉnh kế hoạch lấn chiếm Biển Đông thích hợp hơn với tình huống hiện tại .

Việt nam phải làm gì trong tình huống này ?

Trước hết , ta bình tâm xét các sự kiện lịch sử liên quan đến dân tộc Việt nam thời cận đại .

+ Cuộc chiến tranh với Pháp , một nước mạnh hơn Việt nam .

+ Cuộc chiến tranh với Hoa kỳ , một nước mạnh gấp bội Việt nam

+ Cuộc chiến tranh tây- nam, Việt nam đưa quân sang Cămpuchia .

+ Cuộc chiến tranh biên giới với Trung quốc, một nước mạnh hơn Việt nam .

Truyền thông Trung quốc đang dựa vào dư âm những sự kiện trên để mô tả với thế giới , với nhân dân trung quốc hình ảnh hiếu chiến , tiểu bá của Việt nam . Họ mô tả Trung quốc như một nạn nhân của Việt nam hiếu chiến .Chính phủ Trung quốc mới đây tuyên bố không dùng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông là nhằm mục đích này .Họ không thể không dùng bạo lực, khi bạo lực là con át chủ bài của Trung quốc . Có thể họ sẽ lừa chiêu , cài bẫy để Việt nam trúng kế.

Việt nam không nên rơi vào bẫy này .

Làm cho nhân dân trung quốc hiểu được thực chất sự bá quyền của Trung quốc trong tranh chấp Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao Việt nam .

Để làm việc này , Bộ ngoại giao VN cần ban hành ngay sách trắng về Hoàng sa , Trường sa . Các trang mạng về Hoàng sa , Trường sa cần có thêm tiếng trung quốc .

Trong tương lai gần , Trung quốc sẽ thường xuyên khiêu khích Việt nam như các vụ ngày 26/5/11 và 9/6/11 vừa qua .

Khi xẩy ra các vụ như vậy , cần cho phép nhân dân việt nam biểu tình tự phát . Các cuộc biểu tình này sẽ tăng cường quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc Việt nam . Việc đàn áp các cuộc biểu tình như vậy chỉ vạch cho Trung quốc biết chính phủ Việt nam sợ nhân dân Việt nam , không có hậu thuẫn ở nhân dân . Trung quốc sẽ lấn tới mạnh hơn .

Khi xẩy ra các vụ xâm phạm hiển nhiên chủ quyền lãnh thổ , lãnh hải Việt nam, chính phủ Việt nam phải bảo vệ được chủ quyền ấy bằng mọi phương tiện và lòng quyết tâm .

Chống bành trướng Trung quốc là thách thức tồn tại hay không tồn tại của dân tộc Việt nam . Việc chống bành trướng phải do một chính phủ được nhân dân việt nam tin tưởng , giao cho trọng trách nặng nề này .

Chúng ta đã chờ đợi sự cải cách của Đảng cộng sản Việt nam hơn 20 năm nay kể từ khi Liên-xô xụp đổ .

Chúng ta đã góp ý cho Đại hội 11 của Đảng cộng sản Việt nam về đa nguyên, dân chủ với tâm huyết nồng nàn của những người yêu nước .

Nhưng họ đã bỏ ngoài tai, khăng khăng độc quyền lãnh đạo .

Một chính đảng chỉ là một câu lạc bộ của một nhóm người .

Tổ quốc là không gian sinh tồn , văn hóa , tập tục của nhiều dân tộc sinh sống trên mảnh đất ấy .

Quyền lợi của đảng phái phải đặt dưới sự sinh tồn của tổ quốc .

Đây là giờ phút quyết định của Đảng cộng sản Việt nam .

Đây là giờ phút quyết định của dân tộc Việt nam .

Nguyễn Nghĩa 650

http://danlambaovn.blogspot.com/2011/06/bao-gio-thi-bien-ong-lang-song-banh.html

Lý Quang Diệu “hiến kế” ổn định Biển Đông

Yoichi Kato - Tờ Asahi Shimbun đã có buổi phỏng vấn độc quyền với ông Lý Quang Diệu – vị Bộ trưởng Cố vấn mới đây đã nghỉ hưu của Singapore. Bài phỏng vấn xoay quanh các vấn đề về thảm họa ở Nhật, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cách kiềm chế Trung Quốc, quan hệ Nhật-Mỹ và Singapore-Mỹ, vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Với ông Lý Quang Diệu, mặc dù ông đã lạc quan rằng, Nhật Bản sẽ trỗi dậy từ những thách thức tái thiết hiện nay, nhưng ông tin là các tác động tiêu cực với nền kinh tế sẽ kéo dài vài năm hay thậm chí lâu hơn nữa.

Với Singapore, khi đối mặt với thực tế chiến lược trỗi dậy của một Trung Quốc đang gia tăng và một Nhật Bản yếu đi, dường như họ đang theo đuổi một chính sách thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Ông Lý hoàn toàn tán thành chọn lựa này, và nhấn mạnh: "Singapore và Mỹ cùng chia sẽ niềm tin rằng, một sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực sẽ tăng cường hòa bình và ổn định".

Cùng lúc đó, ông dự báo: "Sẽ có những thay đổi quan trọng trong cân bằng quyền lực vào 10 năm tới với sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Và sau đây là những câu trả lời của ông Lý Quang Diệu qua văn bản.

- Ông cho rằng Nhật Bản sẽ nổi lên trong giai đoạn của những thách thức to lớn này là mạnh hơn hay yếu đi?

Mạnh hơn về sự đoàn kết con người nhưng yếu đi về kinh tế.

- Trong cuốn sách mới của mình, ông chỉ ra rằng, Nhật Bản đã đối mặt với những thách thức lớn như dân số sụt giảm và sự già hóa dân số. Thảm họa 11/3 dường như làm gia tăng thách thức ấy. Ông thấy tác động 11/3 thế nào với tương lai của Nhật?

Tương lai của Nhật Bản là một nền kinh tế yếu hơn trong vài năm. Những năm suy giảm có thể tiếp tục trừ phi Nhật Bản gia tăng dân số bằng nhập cư hay tăng tỉ lệ sinh.

- Những thay đổi của Nhật sẽ tác động gì tới địa chính trị khu vực?

Nhật Bản là một nền kinh tế lớn thứ hai khu vực. Bất kể sự sụt giảm nào cũng tác động tới toàn bộ đối tác kinh tế trong khu vực.

- Những gì chúng ta nên xem xét khi nhìn vào các tranh cãi gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác như Việt Nam và Philippines về mặt chiến lược khu vực và tham vọng của Trung Quốc?

Trung Quốc đã đề xuất giải quyết tranh chấp bằng con đường song phương. Tất cả các bên tranh chấp khác đều nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.

- Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tuyên bố kế hoạch của Mỹ trong việc triển khai các tàu tuần duyên mới (LCS) đến Singapore. Singapore đã ký Thỏa thuận Khung Chiến lược (SFA) với Mỹ. Ông cho rằng Singapore cần làm nhiều hơn để tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ?

Singapore sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu của Mỹ. Singapore và Mỹ chia sẻ một sự tin tưởng rằng, sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực sẽ góp phần tăng cường ổn định và hòa bình khu vực, đồng thời cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương theo tinh thần và tầm nhìn của SFA năm 2005.

- Tuyên bố triển khai các tàu tuần duyên mới của bộ trưởng Gates cho thấy, Mỹ tin rằng, họ nhất định cần tăng cường sự hiện diện và tham gia của mình tại Đông Nam Á để cân bằng với ảnh hưởng đang trỗi dậy của Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về chiến lược cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

Để cân bằng với một cường quốc lớn như Trung Quốc, Mỹ cần hợp tác với Nhật và hợp tác với các quốc gia ASEAN.

- Qua Đối thoại Shangri-La, Singapore góp phần thế nào để đảm bảo an ninh trong khu vực?

Singapore là địa điểm để thảo luận về những vấn đề an ninh nhạy cảm hữu ích cho tất cả các bên liên quan. Chúng tôi cung cấp một nơi gặp gỡ trung lập mà không có sự thiên vị với bất kỳ bên nào.

- Năm nay là tròn 10 năm Đối thoại Shangri-La, và Trung Quốc cuối cùng đã quyết định cử bộ trưởng quốc phòng tham dự?

Trung Quốc ban đầu đã nghi ngờ về giá trị trao đổi thảo luận, có lẽ sẽ là mục tiêu của các câu hỏi đến từ những thành viên khác tham gia Đối thoại. Nhưng giờ đây, họ quyết định cử bộ trưởng quốc phòng tham dự. Họ cần phải tin đây là nơi hữu ích cho đối thoại, cho trao đổi các quan điểm dẫn tới việc xây dựng lòng tin.

- Gần đây, một khuôn khổ địa chiến lược mới "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đã trở nên phổ biến với các chuyên gia chính sách. Ông có cho rằng nó có thể hữu ích hơn "châu Á - Thái Bình Dương" trong việc giải quyết các thách thức an ninh và kinh tế mà các quốc gia trong khu vực đối mặt?

Ấn Độ có thể ổn định Ấn Độ Dương. Tôi không chắc là hải quân của họ có mở rộng tầm với hiệu quả tới Thái Bình Dương.

- Ấn Độ gần đây đã rất tích cực trong việc thể hiện sự hiện diện ở Thái Bình Dương. Ông có cho rằng điều này có ích với an ninh khu vực?

Đúng, nó có lợi cho hòa bình và ổn định.

- Mặc dù có rất nhiều nỗ lực từ các nước ASEAN, nhưng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dường như vẫn chưa tiến tới một giải pháp hòa bình. Những vụ việc gần đây xảy ra càng cho thấy tình hình bất ổn vẫn còn. Vậy các bên tuyên bố chủ quyền và những cường quốc chính trong khu vực có thể/nên làm gì để giải quyết vấn đề này?

Giải quyết vấn đề phù hợp với Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS).

- Ông đã đề cập tới tầm quan trọng của việc giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc với ổn định khu vực. Những nước khác trong khu vực gồm cả Nhật Bản và Singapore có thế và nên làm gì để đạt mục tiêu này?

Nhật Bản có thể là đối tác của Mỹ cho hòa bình và ổn định. Singapore có thể đóng một vai trò nhỏ hơn như một hòn đảo, nơi Mỹ có thể chuẩn bị đạn dược và các thiết bị quân sự khác.

- Ông nghĩ thế nào về "chiến lược hóa học" giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng trở nên tự tin khi sức mạnh quốc gia gia tăng? Ông có nghĩ một hệ thống lưỡng cực có thể bền vững và thiết thực?

Chúng ta cần chờ đợi và chứng kiến mối quan hệ ấy phát triển thế nào. Có nhiều lợi ích khi Trung Quốc hợp tác với Mỹ. Trung Quốc cần thị trường, công nghệ và bí quyết Mỹ để phát triển.

- Năm 2012 - 2013 sẽ là thời điểm nhiều nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có thể tiến hành thay đổi lãnh đạo. Ví dụ như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc...Có một số dự đoán về bất ổn trong khu vực. Vậy quan điểm của ông thế nào, và ông nghĩ sao để có thể ngăn ngừa tác động tiêu cực với khu vực?

Tôi không cho rằng thay đổi lãnh đạo là bất ổn. Sẽ có những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực vào 10 năm tới với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thụy Phương (Theo asahi)
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-20-ly-quang-dieu-hien-ke-on-dinh-bien-dong